Ngoài những ký ức đau thương từ chiến tranh, người Pháp để lại cho chúng ta những di sản về kiến trúc và nghệ thuật. Trong đó có phong cách kiến trúc Indochine, sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc Việt Nam. Hôm nay mời bạn cùng Tiệm Tranh 91 tìm hiểu về phong cách này.

Phong cách Indochine là sự kết hợp tinh túy văn hóa Phương Tây và Phương Đông (ảnh: Coba homestay)

Phong cách Indochine là gì?

Indochine là từ tiếng Pháp chỉ các nước thuộc bán đảo Đông Dương, vì vậy phong cách Indochine còn được gọi là phong cách Đông Dương. Đây là phong cách kiến trúc pha trộn giữa tinh túy của phương Tây và phương Đông. Phong cách Đông Dương ở Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều của nền văn hóa Trung Hoa, Lào và Campuchia chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn độ.

Ở Việt Nam, phong cách Đông Dương do người Pháp sáng tạo ra. Khi qua Việt Nam, họ mang theo kiến trúc của Pháp. Nhưng do sự khác biệt về khí hậu văn hóa lối sống của Việt Nam, họ đã thay đổi để phù hợp với xứ sở chúng ta, tạo ra một phong cách kiến trúc độc đáo là Indochine. Phong cách này kết hợp giữa nét đẹp hiện đại của Phong cách Châu Âu, và nét cổ điển truyền thống của Phương Đông.

Ban đầu phong cách Indochine dành cho tầng lớp tư sản, tiểu thị dân. Về sau phong cách này với những chi tiết thể hiện chọn lọc bản sắc dân tộc Việt Nam, trở nên phổ biến cho nhiều tầng lớp, nhiều loại công trình.

Ngày nay, những công trình mang phong cách indochine truyền thống còn lưu lại trong những con phố, góc nhà ở phổ cổ Hà Nội, Hội An, Huế.

Những đặc điểm của phong cách Đông Dương (indochine)

Là phong cách kiến trúc pha trộn giữa hai nền văn hóa Phương Đông và Phương Tây, phong cách Đông Dương có những điểm gì về màu sắc, chất liệu, nội thất? Hãy tiếp tục tìm hiểu với Tiệm Tranh 91 nhé.

Gam màu trắng nhã thanh lịch thường thấy trong phong cách Đông Dương (ảnh: Annamstay)

Màu sắc chủ đạo

Mang sự lãng mạn và thanh lịch của kiến trúc Pháp, phong cách Đông Dương chủ yếu sử dụng các màu sắc trung tính: vàng nhạt, vàng kem, trắng. Những gam màu nhẹ nhàng này tạo nên cảm giác thoải mái, mát mẻ, phù hợp với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam.

Đồng thời những công trình kiến trúc Indochine cũng có những gam màu trầm mang đến sự sang trọng, quý phái và cổ điển như: nâu trầm, đỏ son, vàng nâu.

Chất liệu sử dụng

Phong cách kiến trúc Đông Dương chủ yếu sử dụng những vật liệu từ phương tây như đá, thạch, xi măng, kết hợp với những vật liệu truyền thống của phương đông như tre, nứa, gỗ. Giới quý tộc thời xưa quan niệm nội thất làm càng thủ công càng có giá trị nên phong cách Indochine lúc đầu ưa chuộng những vật liệu tự nhiên như đất nung, tre, nứa, phù điêu, tượng Champa. Ngày nay, những công trình thêm những vật liệu như thép, nhựa PVC, kim loại thêm vẻ hiện đại cho phong cách Đông Dương.

Những vật trang trí mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc (ảnh: Annamstay)

Hoa văn họa tiết

Một đặc trưng làm nên sự độc đáo của phong cách Indochine là những họa tiết đậm nét dân tộc Việt Nam và Phương Đông. Đó là những họa tiết truyền thống của xứ An Nam như con tiện, kỷ hà, phù điêu. Những họa tiết làm nên màu sắc Phương Đông là đồ gốm sứ họa tiết, gạch bông, mây tre cói.

Những vật dụng trang trí mang đặc trưng truyền thống Việt Nam

Ngoài những họa tiết lồng ghép trong các chi tiết gạch, tường, phong cách Đông Dương không thể thiếu những vật trang trí mang đặc trưng truyền thống Việt Nam. Có thể kể đến:

  • Tượng phật: biểu tượng tôn giáo, biểu tượng cho sự thanh cao, bình yên
  • Con giống, con rối: đây là những biểu tượng dân gian
  • Tứ linh: mô phỏng Long, Lân, Quy, Phụng những con vật mang lại nhiều may mắn
  • Hoa sen: có từ thời lý, biểu tượng của sự trong sạch, thanh tịnh của Phật giáo
  • Hoa cúc: bình dị, thanh cao, kín đáo và lâu bền
  • Bồ đề: cây bồ đề biểu trưng cho sự đại giác của đức phật
Nền gạch bông đặc trưng của phong cách Indochine (ảnh: Coba homestay)

Đồ nội thất

Những nội thất của phong cách Indochine ngoài những vật dụng hiện đại như đèn trần, giường, ghế sofa, thì còn có những đồ vật đặc trưng trong những ngôi nhà Việt Nam thời xưa. Đó là sập gụ, phản, bình phong, giường tủ gỗ.

Phong cách indochine trong các công trình kiến trúc

Mang tinh túy của hai nền văn hóa Phương Tây và Phương Đông, phong cách Indochine còn lưu giữ trong những công trình kiến trúc lớn được bảo tồn đến ngày hôm nay, và cũng đang lên ngôi trong những công trình kiến trúc hiện đại.

Những di tích văn hóa đặc trưng phong cách Indochine có thể kể đến: Nhà Hát Lớn, Dinh Độc Lập. Đây là những công trình lớn, được đầu tư xây dựng phục vụ cho bộ máy chính quyền cai trị, vì vậy phong cách Đông Dương ở đây mang vẻ quyền quý, kiên cố, sang trọng, và có sức sống trường tồn đến tận ngày nay.

Những quán cà phê phong cách Đông Dương được nhiều thế hệ yêu thích (Ảnh: Cà phê Cô Ba)

Ngày nay, với xu hướng quay trở lại bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc, phong cách Indochine kết hợp Âu-Á được yêu thích trong các công trình hiện đại. Từ những công trình giữ nguyên vẹn đặc trưng truyền thống, đến cách tân hiện đại, những ngôi nhà ở, quán cà phê, homestay phong cách Đông Dương vừa mang nét sang trọng phóng khoáng của Phương Tây, vừa mang đặc trưng dân tộc, nét quyến rũ Á Đông.